Tiếp thị & Pháp luật

Hang động Phật giáo 2.200 năm tuổi trong rừng sâu

  • Thứ ba, 10:12 Ngày 11/06/2019
  • Hơn 200 năm trước, người ta phát hiện một quần thể những hang động kỳ bí được đục khoét vào trong vách đá của một khu rừng hoang vu, một kho tàng đã ngủ quên ngàn năm được đánh thức, làm cho cả thế giới sửng sốt về một công trình tôn giáo đồ sộ được tạo ra vào thời hưng thịnh nhất của Phật giáo khoảng hơn 2.000 năm trước.

    Tại sao nó bị bỏ hoang suốt ngàn năm? Chuyện gì đã xảy ra với những tu sĩ và có gì trong kho tàng quý giá này của nhân loại. Hãy cùng khám phá hang động Ajanta  của Ấn Độ.

    Huyền tích bí ẩn

    Ngủ yên trong rừng sâu hơn 1.000 năm, hang động Ajanta được phát hiện vào năm 1819, do một quân sĩ người Anh trong lần đi săn đã phát hiện ra một báu vật đó chính là một quần thể các hang động huyền bí với các tượng Phật và công trình chạm khắc vào vách đá vô cùng tinh vi và tinh xảo. Công trình này được Unesco công nhận là di sản thế giới, và cho đến ngày nay hang động vẫn mang nhiều bí ẩn đối với các chuyên gia khảo cổ học: Làm sao người xưa có thể tạo ra một công trình vĩ đại như thế.

    Khoảng năm 200 trước công nguyên, dưới vương triều của Ashoka đại đế, tức khoảng 300 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn, một nhóm các tăng đoàn đã tìm chốn thâm sâu cùng cốc này để tu hành. Và họ bắt tay vào đục đẽo hoàn toàn thủ công vào vách đá để  làm nơi ẩn trú, thực hành các giáo lý của Đức Phật. Hang Ajanta nằm cách thành phố Aurangabad khoảng 100km về phía Bắc, thuộc bang Maharashtra của Ấn Độ, một nơi hoang vắng và xa xôi.

     

    Chùa hang Ajanta tọa lạc ở lưng chừng núi, bên dưới hang động là dòng sông Waghora uốn khúc. Hang động được bố trí theo dạng hình móng ngựa, khoét sâu vào bên trong vách núi đá thẳng đứng cao 76m. Di tích quần thể hang động Ajanta có tất cả 30 hang, bao gồm Thánh đường Phật giáo và các khu phụ cận. Các nhà khảo cổ đã đánh dấu các hang theo số thứ tự.

    Quần thể hang động Ajanta không được tạo dựng trong một thời kỳ liên tục, nên các nhà nghiên cứu phân chia các hang động theo từng thời kỳ xây dựng. Cụm hang được tạo dựng vào giai đoạn đầu thế kỷ 2 trước Công nguyên mang nhiều màu sắc của Phật giáo nguyên thủy. Cụm hang sau được xây dựng vào thế kỷ 5 mang màu sắc Phật giáo mới, và một số hang vẫn đang dang dở chưa được hoàn tất.

    Mặc dù còn nhiều chỗ chưa hoàn thiện, nhưng chùa hang vẫn là một trong những công trình lớn được tạo ra do bàn tay của con người. Một trong những điểm đặc biệt của quần thể hang động này chính là một số lượng khổng lồ những bức tượng điêu khắc về đạo Phật. Đây được coi là những tác phẩm hội họa đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo ở Ấn Độ.

    Đến thế kỷ thứ 7, Phật giáo ở Ấn Độ bắt đầu suy tàn và từ những cuộc loạn lạc của thời thế, chùa hang Ajanta đã bị bỏ hoang suốt hơn 1.000 năm trong vùng hoang vu hiu quạnh trong rừng già. Thậm chí có câu chuyện kể rằng, khi được tìm thấy những hang động này thì bên trong các hang chứa đầy những phân và xác động vật, hang trở thành nơi trú ẩn của các loài thú hoang.

    Người ta cho rằng hang động Ajanta hoàn toàn phù hợp với những mô tả của nhà sư Đường Tam Tạng. Đường tăng Huyền Trang đã đến Nalanda, Ấn Độ để học Phật và đã đến thăm vùng Ajanta vào khoảng năm 638. Sau khi Đường tăng Huyền Trang, Tam tạng Pháp sư trở về bản quốc, ngài cảm hứng hạ bút ghi lại hồi ký với tựa đề “Đại Đường Tây vực ký”.

    Bảo tàng sống của Phật giáo

    Ngày nay có rất đông du khách trong nước và quốc tế đến để chiêm ngưỡng công trình điêu khắc tỉ mỉ và tinh xảo của người xưa để lại. Những chuỗi hang động chạy dọc vách núi với các dốc đá cao nên một số du khách phải thuê người mang kiệu khuân vác đi tham quan.

    Đến Ajanta, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những căn phòng, tu viện, sảnh đường và các tượng Phật khổng lồ được chạm khắc vào vách đá, cùng với những cột đá nguyên khối có trang trí nhiều hoa văn. Đặc biệt là các bức bích họa vẫn còn phần nào nguyên vẹn trên cách bức vách. Tổng cộng ở Ajanta có đến 500 bức.

     

     
    TOP