Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, nhận xét như trên và cho rằng để mua được nhà, các bạn trẻ cần chuẩn bị kiến thức về tài chính, có quyết tâm và biết phân chia thu nhập ở những khoản bắt buộc.
* Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng mua nhà, có nhà là mục tiêu cần hướng tới, nhất là với người trẻ, gia đình trẻ Việt Nam. Dưới góc độ kinh tế, ông nghĩ sao về điều này?
- TS Đinh Thế Hiển: Theo tôi, với đại đa số người dân muốn có tài sản khi lớn tuổi thì nên có nhà và đặt mục tiêu mua nhà từ trẻ. Bởi lẽ, nhiều người không phải là giỏi kinh doanh, giỏi quản lý và sử dụng đồng tiền mà thường chỉ có khả năng tiết kiệm, tích góp.
Tuy nhiên, tiết kiệm, tích góp theo kế hoạch bắt buộc thì dễ hơn, như mua nhà trả góp nếu xét nhiều yếu tố thì họ có thể đầu tư tài chính để sinh lợi. Cũng nhờ lịch trả nợ vay mua nhà hằng tháng, người mua mới không tiêu xài lãng phí cho việc đổi điện thoại, xe máy, xe hơi… mà sẽ có căn nhà.
Ở Việt Nam, nhà không chỉ để ở mà còn là tài sản khá tốt, khi các kênh đầu tư khác như cổ phiếu chỉ 5% người dân tham gia, lại còn đòi hỏi kiến thức tài chính. Trong khi đó, ở các nước, nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn từ cổ phiếu, trái phiếu, các quỹ đầu tư dạng mở với lãi suất an toàn, ổn định. Người dân các nước Âu, Mỹ dành phần nhiều trong thu nhập của mình để đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm an sinh xã hội và khi về hưu, họ được hưởng phúc lợi xã hội mà không phải lo lắng nhiều dù chưa có nhà.
Ngoài ra, đặc tính của người Việt là luôn bảo bọc con cái. Hệ thống an sinh xã hội ở ta chưa phát triển như nhiều nước nên tiền lương hưu là để trang trải nhiều thứ, trong đó có tiền nhà. Do đó, việc nỗ lực tích góp trong thời trẻ, tới giai đoạn trung niên sở hữu được căn nhà sẽ có sự an toàn cho cuộc sống hơn.
Từ một căn hộ diện tích nhỏ ban đầu, cần tích lũy và bán để mua căn nhà giá trị hơn. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Hoàng Triều
* Vậy ông ủng hộ vợ chồng trẻ, bạn trẻ nên tích góp để mua nhà? Nếu muốn mua nhà, người trẻ cần chuẩn bị những gì?
- Theo tôi, vài năm sau khi ra trường, bạn trẻ nên ưu tiên đầu tư vào năng lực làm việc, học thêm ngoại ngữ, kỹ năng để tăng khả năng lao động, thu nhập. Sau đó, khi ngoài 30 tuổi thì nên tích lũy để có căn hộ hoặc ngôi nhà vừa túi tiền. Mua nhà cũng là một dạng đầu tư cho tài sản lâu dài và phục vụ nhu cầu để ở. Bởi lẽ, cứ ở nhà thuê, không có mục tiêu phấn đấu cụ thể thì rất khó tích lũy, lại dễ tiêu xài lãng phí vào "tiêu sản". Trong vòng 10 năm, đôi vợ chồng trông trẻ có thể tích lũy được một căn nhà, sau đó có thể thong thả lo cho con cái.
Kiến thức về tài chính là quan trọng và cần thiết. Phải biết phân chia tài chính tiêu dùng gia đình ở những khoản bắt buộc và những khoản chưa bắt buộc, phân chia thu nhập cho các mục tiêu trong từng giai đoạn. Cần khoảng 1-3 năm ở trong giai đoạn thật sự "thắt lưng buộc bụng" để có khoản tích lũy ban đầu, dồn tiền cho mục tiêu mua nhà nhằm đặt cọc hoặc mua trả góp. Khi có số vốn ban đầu mới tính toán được giữa nhu cầu sử dụng, đầu tư (cho thuê hoặc để ở)…
Chẳng hạn, nếu tài chính đủ, có thể kết hợp đầu tư thì mua căn hộ tốt rồi cho thuê để có khoản trả nợ ngân hàng. Hoặc ban đầu chỉ có một căn hộ diện tích nhỏ, rồi tích lũy và bán để mua căn nhà giá trị hơn. Tính toán tài chính như vậy, người trẻ sẽ có cuộc sống tương đối khó khăn trong giai đoạn phải trả nợ mua nhà nhưng về lâu dài sẽ tốt.
* Theo ông, chính sách của nhà nước hiện nay để hỗ trợ người trẻ mua nhà đã hiệu quả chưa?
- Điểm cần cải thiện hiện nay là đang thiếu chính sách dành cho người thuê nhà. Chẳng hạn, với thu nhập 10 triệu đồng/tháng, làm sao để chi phí thuê hay mua nhà của một gia đình chuẩn - 2 vợ chồng và 2 đứa con - chỉ chiếm khoảng 25%. Khi đó, cần có chính sách tạo điều kiện giảm thuế cho những người cho thuê nhà, để người ở thuê cũng hưởng lợi nhờ giá thuê nhà giảm. Từ đó, nhu cầu mua nhà giảm xuống và giá nhà cũng không quá cao…
Về thuế bất động sản, cần miễn với căn nhà đầu tiên của mỗi gia đình nhưng với người có nhà thứ 2-3 to vượt chuẩn thì phải đóng thuế. Tiền thuế thu được đưa về an sinh xã hội sẽ làm cho giá nhà giảm xuống. Chính sách thuế này đã áp dụng hiệu quả ở các nước phát triển.
Ngay với nhà ở xã hội cũng chưa phát triển như kỳ vọng của người dân, bởi cơ chế vẫn là ưu đãi xin cho, thay vì để thị trường quyết định.
Theo người lao động.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, Vùng Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng rất cần hệ thống đường cao tốc kết nối để tạo ra động lực mới cho phát triển.