Tiếp thị & Pháp luật

Ba vị thám hoa người Việt khiến ngoại bang khiếp vía gồm những ai?

  • Thứ hai, 10:44 Ngày 10/06/2019
  • Thám hoa là danh hiệu rất cao quý của sỹ tử ngày xưa. Sử Việt từng xuất hiện những vị thám hoa tài đức vẹn toàn, trí tuệ uyên bác, ngoại bang kính nể.

    Thám hoa là danh hiệu rất cao quý của sỹ tử ngày xưa. Sử Việt từng xuất hiện những vị thám hoa tài đức vẹn toàn, trí tuệ uyên bác, ngoại bang kính nể.

    Dưới thời phong kiến, danh hiệu thám hoa được xác định trong kỳ thi Đình, dành cho người đứng thứ ba trong Tam khôi, sau trạng nguyên và bảng nhãn. Theo các tài liệu lịch sử, trong số 2898 vị đại khoa từ 1075 đến 1919, chỉ có 76 người vinh dự có được danh hiệu thám hoa.

    Chuyện thám hoa ví vua Thanh 'ếch ngồi đáy giếng'

    Nguyễn Đăng Cảo (1619-?) là người làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Ông được xem là vị thám hoa có trí nhớ siêu việt nhất và là người duy nhất đươc phong làm "Lưỡng quốc khôi nguyên".

    Tại khoa thi năm 1646, Nguyễn Đăng Cảo đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (thám hoa). Do khoa thi này không lấy trạng nguyên và bảng nhãn, nên ông là người đứng đầu trong số những người thi đỗ. Đến năm 1659, ông lại đỗ đầu khoa Đông các, được phong Đông các đại học sĩ.

    Tranh vẽ Nguyễn Đăng Cảo. Ảnh: Báo Bình Phước.

    Từ nhỏ Nguyễn Đăng Cảo đã nổi tiếng thông minh, có trí nhớ khác người, sách vở chỉ đọc một lần là nhớ. Khi làm quan là người hay chữ, giỏi đối đáp nên ông thường được triều đình cử đảm trách tiếp sứ phương Bắc.

    Có lần sứ nhà Thanh thử tài ông bằng cách hỏi mượn sách Đại học, Nguyễn Đăng Cảo lấy giấy bút viết lại toàn bộ, không thiếu một chữ khiến họ kinh ngạc khen ông là sao Văn Khúc của nước Nam. Khi ông đi sứ, vua Thanh nghe tiếng thử tài, cuối cùng cũng phải khen ngợi và phong ông làm "Khôi nguyên Bắc triều". Tức "Lưỡng quốc khôi nguyên”.

    Theo sách Sứ thần Việt Nam, trong một lần ông được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc, khi giáp mặt, thấy ông già cả, vua Khang Hy của Thanh liền ra câu đối: “Lão khuyển lạc mao, do hướng đình tiền phệ nguyệt”. Nghĩa là: Chó già rụng lông thấy trăng còn đứng ra sân mà sủa.

    Biết đó là ý miệt thị của vua nhà Thanh, Nguyễn Đăng Cảo liền đối lại: “Tiểu oa đoản cảnh, mạn cư tỉnh để khuy thiên”. Nghĩa là: Ếch con ngắn cổ, cũng dám ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.

    Vế đối có nội dung ngang tàng, ý mỉa mai, xem thường cả triều đình lẫn vua Thanh không hiểu biết, bụng dạ hẹp hòi. Đây là vế đối quá chuẩn, thể hiện được trí tuệ và bản lĩnh của người Việt. Từ đó, vua quan nhà Thanh không dám coi thường sứ nước Nam nữa. Khi đoàn sứ bộ Nguyễn Đăng Cảo ra về, vua Thanh sai quan tiễn sứ đoàn rất trịnh trọng.

    Thám hoa thà chết không để nhục mệnh vua

    Giang Văn Minh (1573-1638) là vị thám hoa nổi danh bậc nhất sử Việt. Ông sinh ra tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội ngày nay. Tại khoa thi Mậu Thìn (1628) ông thi đỗ thám hoa dưới đời vua Lê Thần Tông, lúc này Giang Văn Minh đã 56 tuổi, trở thành vị thám hoa lớn tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng nước nhà. Vì khoa thi này không có ai đỗ trạng nguyên hay bảng nhãn, ông là người đỗ cao nhất.

    Sau khi thi đỗ, ông ra làm quan cho nhà Hậu Lê, thăng dần tới chức Thái bộc Tự khanh. Năm Đinh Sửu (1637), Giang Văn Minh được cử đi sứ phương Bắc. Trong chuyến đi này, ông đã đối đáp thẳng thừng với vua Minh Tư Tông để bảo vệ danh dự dân tộc, cuối cùng bị sát hại nơi xứ người.

    Lúc yết triều, vua Minh ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục", nghĩa là “Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc”. Câu này có hàm ý nhắc việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" - Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong.

    Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng", nghĩa là “Bạch Đằng thuở trước máu còn loang”. Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.

    Câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của thiên triều và sứ bộ các nước. Phần vì tức giận, phần vì lo sợ trước tài năng của sứ thần Giang Văn Minh, vua Minh đã gạt bỏ thể diện, bất chấp luật lệ bang giao, trả thù hèn hạ, hại chết Giang Văn Minh.

    Dù chuyến đi sứ dở dang, thám hoa Giang Văn Minh đã tỏ rõ khí phách hiên ngang của người dân nước Việt, không khuất phục trước ách đô hộ của triều đình phương Bắc. Ông dù chết nhưng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh không để nhục mệnh vua.

    Vị lưỡng quốc thám hoa duy nhất trong sử Việt

    Sử Việt từng xuất hiện rất nhiều nhân tài kiệt xuất khiến ngoại bang nể phục. Tuy nhiên, chỉ có một người duy nhất được phong làm Lưỡng quốc thám hoa. Người đó chính là Phan Kính. Vị thám hoa được người Bắc nể trọng bậc nhất.

    Phan Kính (1715-1761), vốn người xã Lai Thạch, nay thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông đỗ thám hoa khoa Quý Hợi (1743) đời Lê Hiển Tông.

    Áo Cẩm bào vua Càn Long tặng Phan Kính. Ảnh: Báo Tiền Phong.

    Sau khi đỗ đạt cao, Phan Kính ra làm quan, trải qua nhiều chức vụ quan trọng, sau thăng làm Đông các đại học sĩ, được cử đi trấn nhậm nhiều vùng khác nhau. Đến năm Kỷ Mão (1759) ông lại được cử làm Đốc đồng Tuyên Quang kiêm tham mưu Nhung vụ đạo Hưng Hóa, cai quản cả vùng biên cương rộng lớn. Trên cương vị này ông đã đấu tranh quyết liệt, không nhượng bộ, bảo vệ chủ quyền biên giới khiến nhà Thanh nể phục.

    Theo sách Đại Nam nhất thống chí, tài năng của Phan Kính vang dội đất Bắc, năm Canh Thìn (1760), trong chuyến đi sứ nhà Thanh, vua Càn Long đã phong ông là "Lưỡng quốc Đình nguyên thám hoa", lại ban tặng một chiếc áo gấm, một bức trướng lụa thêu chữ:

     “Thiên triều đặc tứ, Bắc đẩu dĩ nam, nhất nhân nhi dị" – nghĩa là “Thiên triều đặc ban, từ sao Bắc đẩu về phía nam chỉ có một người”. Ý nói đề cao ông là người tài giỏi hiếm có.

    Tháng 6 năm Tân Tỵ (1761) ông lại đi hội đàm việc biên giới. Tiếc là trong chuyến đi này, ông lâm bệnh qua đời. Nể phục ông, nhà Thanh cho đóng 18 cỗ quan tài đưa thi hài về nước.

    Khi về tới Thăng Long, vua Lê Hiến Tông đã cho tiến hành nghi lễ phúng viếng rồi sai chở cả 18 quan tài về quê ông an táng, không ai biết thi hài ông nằm ở quan tài nào. Sau đó triều đình truy tặng ông chức Hữu thị lang bộ Hình, tước Qùy Dương bá.

    Theo Nguyễn Thanh Điệp 

     

    TOP