Tiếp thị & Pháp luật

Bài phát biểu của Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

  • Thứ ba, 20:24 Ngày 17/09/2019
  • Sáng (17/5), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017.

    Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 diễn ra với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp". So với lần đầu tổ chức tháng 4/2016 với khoảng 500 lãnh đạo doanh nghiệp tham dự trực tiếp, sự kiện này có quy mô lớn hơn khá nhiều. 

    Sau phiên đối thoại, Chính phủ dự kiến sẽ họp ngay chiều nay để bàn giải pháp cho các kiến nghị doanh nghiệp nêu ra.


    Toàn cảnh Hội nghị - Hình Enternews

     

     

    Tại Hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm triển khai tốt hơn Nghị quyết 35/NQ-CP trong thời gian tới.


    TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

     

     

    Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

     

    "Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc !

    Kính thưa các đồng chí Phó Thủ tướng, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương !

    Thưa các Anh Chị doanh nhân !

    Thưa các đồng chí và các quý vị !

     Đến hẹn lại lên, hôm nay chúng ta lại có mặt ở đây trong ngày Hội lớn của các doanh nghiệp. Hôm nay, ngày 17/5, chỉ còn 2 ngày nữa chúng ta kỷ niệm Ngày Sinh nhật Bác Hồ. Chúng ta nhớ tới Bác,nhớ về câu chuyện của Bác với doanh nhân.Từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô, chuẩn bị cho ngày Quốc Khánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở nhà của một doanh nhân, một nhà tư bản dân tộc và tại đây, Bác đã viết Bản Tuyên Ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày 18/9/1945, chỉ 2 tuần sau Ngày Quốc khánh, Bác đã gặp các nhà Công Thương Hà Nội và các doanh nhân là giới chức xã hội đầu tiên đã được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch với cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời. Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã học Bác Hồ, gặp gỡ doanh nhân sau khi Chính phủ mới được thành lập vào năm ngoái. Sau Hội nghị “Diên Hồng” 2016, chụm đầu bàn việc nước với doanh nghiệp, Chính phủ đã ra Nghị quyết 35, nghị quyết đầu tiên của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp ở nước ta. Nghị quyết đưa ra 3 thông điệp căn bản: Doanh nghiệp là động lực phát triển đất nước; Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, phục vụ và Nhân dân Khởi nghiệp (theo nghĩa rộng nhất của từ này) là sự nghiệp của toàn dân.

    Chúng ta thật sự vui mừng khi thấy tinh thần đột phá của Nghị quyết nêu trên, trong thời hội nhập, lại có sẵn trong nền tảng Tư tưởng Hồ Chí Minh hơn 70 năm về trước. Trong Bức thư gửi cho giới doanh nhân ngày 13/10/1945, khi nói về vai trò của doanh nhân, Bác viết: “Nền kinh tế Quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà Công Thương nghiệp thịnh vượng” (tức Bác bảo doanh nghiệp là động lực cho sự thịnh vượng của quốc gia). Về trách nhiệm của Chính phủ, Bác nêu: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”. Như vậy, Bác đã hàm nghĩa Chính phủ kiến tạo và phục vụ. và Bác kêu gọi: “Tôi mong giới công thương…hãy cùng đem vốn vào làm công cuộc ích nước, lợi dân” tức là Bác kêu gọi doanh nhân khởi nghiệp.

    Chúng tôi cũng rất vui mừng, Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân vừa được thông qua cũng tiếp tục khẳng định các tinh thần này. Trung ương và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải xóa bỏ mọi rào cản, định kiến… phải chăm lo phát triển kinh tế tư nhân. “Chính phủ phục vụ” doanh nghiệp theo cách nói của Thủ tướng và Chính phủ. “Đảng và Nhà nước chăm lo” doanh nghiệp theo cách nói của Tổng Bí thư và “Chính phủ nhân dân tận tâm giúp giới công thương” theo cách nói của Bác Hồ… Đó chính là yêu cầu của Chính phủ kiến tạo, là tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 35. Tất nhiên, phát triển doanh nghiệp có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và bản thân các doanh nhân. Nhưng thể chế nào, doanh nhân đó. Thể chế minh bạch, chính quyền tận tâm thì doanh nghiệp sẽ phát triển lành mạnh, người dân sẽ đem vốn vào làm những việc ích quốc, lợi dân như Bác Hồ đã dạy!

    Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016. Việc ban hành một Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

    Sau 1 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 35/NQ-CP được đánh giá là nghị quyết có tính toàn diện, có tầm nhìn dài hạn, mang tính chất đột phá và do đó nhận được sự quan tâm hưởng ứng tích cực của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã rất sát sao, đôn đốc và giữ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy thực hiện Nghị quyết với tinh thần trong Chính phủ mới không có chỗ để bàn lùi. Các chuyến đi thị sát tại các địa phương, lắng nghe ý kiến của các địa phương và doanh nghiệp, chỉ đạo trực tiếp cải cách ở cấp cơ sở, xúc tiến thương mại, đầu tư, mở cửa thị trường ở nước ngoài của Thủ tướng đã làm ấm lòng và thực sự tiếp sức cho doanh nghiệp.

    Một số bộ ngành đã khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với doanh nghiệp: Bộ Tài chính đã triển khai rất sớm Nghị quyết, thực hiện cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Bộ Công an đã tích cực triển khai áp dụng visa điện tử. Bộ Công thương bãi bỏ thông tư 37 về formaldehyde với dệt máy, bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng, bỏ quy hoạch xuất khẩu gạo... Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nông nghiệp nông thôn… Bộ Xây dựng bỏ yêu cầu xây dựng quy hoạch 1:500 đối với dự án phát triển nông nghiệp… là những ví dụ điển hình.

    Một số địa phương đi đầu trong việc triển khai Nghị quyết như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp… Hà Nội đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến, đưa công cụ hỗ trợ đến tận xã, phường, khu dân cư tập trung;  Quảng Ninh đi đầu trong việc tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư và triển khai thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở, ban, ngành. Đà Nẵng đi đầu trong việc xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, xử lý thủ tục hành chính theo phương châm hết việc chứ không phải hết giờ. Đồng Tháp đi tiên phong trong cơ chế đối thoại, giải quyết khó khăn vướng mắc, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, duy trì “cà phê doanh nhân” hàng tuần thân thiện. Hay Cần Thơ, các cấp chính quyền không họp mà dành trọn ngày thứ Hai hàng tuần để gặp gỡ, đối thoại, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp… Những thực tiễn tốt này đang được lan tỏa.

    Tại hầu hết các địa phương thời gian thành lập doanh nghiệp hiện nay là 2 ngày, giảm 1 ngày so với cam kết. Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu; dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu, đạt chỉ tiêu đặt ra. Các tỉnh/thành phố đều tích cực triển khai thực hiện kê khai nộp thuế điện tử (đa số đạt từ 96-100%).

    Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết 35/ NQ-CP là “tích cực”, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này.Các đánh giá này không phải là cảm tính, mà dựa trên những con số về các kết quả đạt được trên thực tế, thể hiện những bước tiến rõ rệt trong công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.

    Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa thể thỏa mãn với những gì đã đạt được. Các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,2% năm 2015.Trong các tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng một nửa số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường kinh doanh vẫn còn vô vàn khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ. Những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu và còn quá nhỏ so với những bất cập đang còn tồn tại, đã tích tụ từ nhiều năm.

    Theo Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, cao hơn 2 lần so với Singapore. Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines

    Chi phí về vận tải và logistics hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các DN ở Việt Nam. Chẳng hạn: chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra còn có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển… càng làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.

    Về chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận họ phải trả loại phí này. Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biếnở nhiều nơi.

    Giảm chi phí cho doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết. Nhưng giảm chi phí không phải là tất cả. Gần đây, khi nói đến Chính phủ kiến tạo, chúng ta hay nói nhiều đến hỗ trợ, đến ưu đãi… nhưng cái cần nhất với doanh nghiệp không phải là hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về tài chính, nếu có thì hỗ trợ nên theo hướng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực về quản trị chứ không hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh. Hỗ trợ không nên bằng cách can thiệp hành chính vào thị trường và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần nhất là một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch và công bằng, cần một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản và thuận tiện, cần một nền tư pháp bảo vệ cho họ được an toàn. Nhưng hệ thống pháp luật về kinh doanh còn khá nhiều bất cập, thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê trong tương quan so sánh với các chuẩn mực tiên tiến của thế giới. Trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương không hình sự hóa đã có nhiều tiến bộ, nhưng doanh nghiệp vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách thiếu nhất quán “sớm nắng chiều mưa”, “ông nói gà, bà nói vịt” hay sự thay đổi chính sách đột ngột, thiếu lộ trình chuyển đổi và hiện tượng hồi tố đối với các hoạt động kinh doanh, việc chậm trễ và thiếu công bằng trong việc giải quyết các tranh chấp của doanh nghiệp lại đang là điểm quan ngại hàng đầu.

    Các cuộc khảo sát của VCCI cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Việc doanh nghiệp một năm phải tiếp 6-7 đoàn từ thanh tra, rồi tới kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức, trong đó có rất nhiều đoàn thanh tra liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm: thanh tra quản lý thị trường, y tế, đo lường là một thực tế phổ biến. Cụ thể, có khoảng 14% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Trong những doanh nghiệp có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, trên 50% cho rằng các cuộc kiểm tra có những nội dung trùng lặp.

    Ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp, tôi biết Thủ tướng đã mang đến Hội nghị hôm nay một món quà cho tất cả chúng tôi: Quyết định ban hành một Chỉ thị yêu cầu các cấp chính quyền thực hiện nghiêm túc yêu cầu không thanh tra, kiểm tra chồng chéo. Xin chân thành cảm ơn Thủ tướng.

    Việc môi trường kinh doanh chậm cải thiện nói trên một mặt là do sự chậm trễ trong cải cách thể chế, một số quy định bất hợp lý trong các văn bản pháp luật đã không được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Trên quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp, theo rà xét bước đầu của VCCI, có tới ít nhất trên 20 quy định như vậy mà chúng tôi đã nêu ra trong báo cáo gửi Chính phủ.

    Tôi xin được dẫn ra ở đây một ví dụ: Điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm trong Nghị định 87/2016 yêu cầu cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm phải có đầy đủ thiết bị ép (đúc/đùn) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ mũ; thiết bị ép (đúc) và khuôn mẫu phù hợp để sản xuất lớp mút xốp; thiết bị dập (tán) đinh tán (dùng để ghép các cụm chi tiết)…

    Điều kiện cơ sở đóng tàu cá tại Thông tư 26/2014/TT-BNNPTNT lại yêu cầu phải có đầy đủ máy cưa xọc, máy cưa vòng, máy cưa đĩa, máy cưa cầm tay, máy bào, máy đục, máy khoan, máy mài, máy hàn, máy nén khí, kích,…

    Nghị định 60/2014 về điều kiện kinh doanh ngành in cấm các cơ sở in không được hợp tác với cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm và hợp đồng mà mình nhận…

    Nghĩa là các doanh nghiệp phải tự làm tất cả từ A tới Z trong khi thế giới hiện nay đang kiến thiết theo chuỗi, mạng, để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Chúng ta biết rằng, để sản xuất ra một chiếc máy bay, người ta phải có hàng trăm cơ sở sản xuất tại vài chục quốc gia. Tôi cũng biết một số ốc vít của Boing đã được sản xuất tại một hộ gia đình tại Thụy Sỹ. Nếu yêu cầu Boing cũng phải có cái máy thủ công sản xuất ra ốc vít như các quy định ở trên thì Boing cũng bó tay không đáp ứng được điều kiện kinh doạnh của Việt Nam.

    Có không ít những quy định còn chưa hợp lý như vậy cần phải được thay đổi sớm!

    Một nguyên nhân quan trọng khác mà môi trường kinh doanh chưa được cải thiện như kỳ vọng, là do các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ chưa được thực hiện nghiêm túc. Với cơ chế phân định quyền hạn và trách nhiệm thiếu rõ ràng hiện nay, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo, dưới không nghe” vẫn còn phổ biến ở nhiều lúc, nhiều nơi. Bài học thực tế thời gian qua cho thấy, cải cách hành chính, cải cách thể chế sẽ không thể đạt được tiến bộ, nếu không cân đông đo đếm được và lượng hóa, có cơ chế quy trách nhiệm trong việc thực hiện tới từng cơ quan, tổ chức và cá nhân.

    Để khắc phục việc này, chúng tôi đề nghị, sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một Chỉ thị thúc đẩy Nghị quyết 35, trong đó làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cần đạt được trong năm nay, đồng thời nêu rõ thời hạn chót cần thực hiện, quy định rõ trách nhiệm của các ngành các cấp trong khâu thực hiện và có chế tài để bảo đảm thực thi vì mỗi năm nên có một chỉ thị như vậy.

    Chúng tôi cũng đề nghị, sớm tổng kết và nhân rộng các thực tiễn tốt, những mô hình và công nghệ cải cách ở các Bộ ngành và địa phương.

    Vì Hội nghị lần này diễn ra với tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”, chúng tôi đề nghị việc giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp cũng phải trên tinh thần đó. Tránh tình trạng nhiều cơ quan, bộ ngành địa phương trả lời kiến nghị của doanh nghiệp theo cách chỉ “giải thích mà chẳng giải quyết”,không đi với doanh nghiệp đến cùng để đề xuất, kiến nghị bổ sung sửa đổi các quy định pháp luật đã thấy rõ là không còn phù hợp và không vận dụng các quy định pháp luật theo hướng có lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp chứ không đẩy khó khăn về doanh nghiệp.

    Chúng tôi hy vọng, trên 180 kiến nghị mà chúng tôi gửi kèm theo Báo cáo của VCCI và các kiến nghị tiếp theo của cộng đồng doanh nghiệp sẽ được giải quyết với tinh thần như vậy.

    Về phía cộng đồng doanh nghiệp, theo kết quả khảo sát của VCCI tại hội nghị hôm nay, 75% các hiệp hội doanh nghiệp được cơ quan chính quyền đánh giá là đã có hoạt động tích cực. 80% doanh nghiệp cho rằng mình đã triển khai thực hiện tốt các yêu cầu của Nghị quyết 35. Nhưng chỉ có trên dưới 30% doanh nghiệp thực hiện các biện pháp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Đây là điểm yếu của các doanh nghiệp. Ngoài những yếu tố khách quan của môi trường kinh doanh, điều này cũng góp phần giải thích hiệu quả kinh doanh thấp của doanh nghiệp.

    Chính phủ cải cách theo hướng kiến tạo, quyết vươn tới chuẩn mực hàng đầu trong ASEAN, doanh nghiệp cũng phải đổi mới, sáng tạo, nâng mình lên đáp ứng yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập. Nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, thực hiện liêm chính, chuyên nghiệp và hiệu quả, hướng tới chuẩn mực quốc tế là yêu cầu đối với mỗi doanh nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng và Chính phủ giao, VCCI sẽ phối hợp với các hiệp hội triển khai chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trong đó có nội dung nâng cao tính chuyên nghiệp và thực hành liêm chính. Rất mong các hiệp hội và các doanh nghiệp tham gia tích cực.

    Chính phủ và doanh nghiệp cùng liêm chính. Chính phủ kiến tạo. Doanh nghiệp sáng tạo. Đó sẽ lã hành trang để Chính phủ và doanh nghiệp đồng hành.

    Xin chúc mừng Thủ tướng đã khởi động thành công làn sóng cải cách lần thứ 2 trong nền kinh tế Việt Nam. Và tôi tin rằng, năm 2017-2018 sẽ là giai đoạn tăng tốc các nỗ lực cải cách để chúng ta có thể về đích vào năm 2019-2020 cả nước có một triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả theo kỳ vọng của Thủ tướng và Chính phủ./."

     

    Theo Kyluc.vn

    TOP