Tiếp thị & Pháp luật

Giá đất các nơi sốt đùng đùng, đừng chỉ đổ lỗi cho "cò" !

  • Thứ tư, 17:37 Ngày 17/03/2021
  • Mấy bữa nay, báo chí lại đăng rất nhiều tin, bài trong đó trích dẫn cả thông tin, văn bản từ Bộ Xây dựng sẽ xử phạt nghiêm tình trạng "cò" đất thổi giá nọ kia. Như thể mọi vấn đề thị trường do "cò" cả. Có phải thế không?

    Theo Mạnh Quân (Người Mua Nhà).

     

    Đây là một ông nông dân đang chèo thuyền, đánh giậm, được nhà đầu tư mời lên làm "cò đất" ở xã Quang Minh, ba Vì.

    Ở thời điểm này, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có hiện tượng giá đất lên, nhiều nơi đã được cho là có hiện tượng "sốt đất": Ba Vì, Hòa Lạc (Hà Nội), Lương Sơn (Hòa Bình), Phan Thiết (khu vực sân bay), Bắc Giang, Thanh Hóa... kể cả Vân Đồn (Quảng Ninh) sau một thời gian chững lại, giảm sâu, giá đất lại ngóc lên, và giá đất tại các khu như Vương Long đang tăng chóng mặt "mỗi ngày một giá": Từ 24, 25 tr đ/m2, đã liên tục lên 25, 26, 27, 28...thậm chí có chỗ đẹp đã vượt qua giá 30 tr đ/m2. Đúng là câu chuyện "xác ướp trở lại".

    Có nhiều ý kiến cho rằng, chẳng do nguyên nhân gì cả, toàn là do sau Tết, "cò" bay liệng rợp trời, tung cánh khắp nơi thổi giá.

    Và thế cũng dẫn đến câu chuyện Bộ Xây dựng có thông báo là sẽ kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hiện tượng "cò" thổi giá.

    Nhưng liệu có đúng chỉ là do "cò" không, chúng ta cần phải xem lại các yếu tố làm tăng giá đất trong vài tháng qua.

    Một điều rõ ràng nhất là hiện nay, tiền có dấu hiệu mất giá khá rõ khi lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục giảm sâu, hiện lãi suất gửi tiết kiệm ở nhiều ngân hàng chỉ còn 4-5%/kỳ hạn 6 tháng. Trong khi đó, lạm phát tháng 2, theo công bố của Tổng cục Thống kê lên tới 1,52% so với tháng 1, là mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua. Như vậy, nếu theo xu hướng lạm phát tăng, trong 6 tháng tới, rõ ràng, người gửi tiền tiết kiệm sẽ bị mất mát rất nhiều nếu để quá nhiều tiền trong ngân hàng.

    Và để giữ giá trị tài sản thì người gửi tiền tiết kiệm buộc phải rút bớt khỏi ngân hàng để đầu tư vào các kênh có thể làm gia tăng giá trị hay ít nhất để giữ giá như vàng chứng khoán, bất động sản. Vàng thì cũng đang giảm giá, chứng khoán thì ko phải ai cũng thích chơi và dám chơi. BĐS luôn được chọn là một kênh thích hợp nhất để giữ giá trị. Đất nó ko tự đẻ ra, nó là tài nguyên hữu hạn, cứ mua vứt đó chẳng bao giờ sợ mất... nhiều người khi đầu tư vào bđs nói thế và những lý lẽ này không phải không có lý.

    Thứ 2 là thời điểm trước Tết, có một đợt giá vàng tăng rất mạnh, cho đến thời điểm này, dù giá vàng có giảm vẫn còn ở mức cao. Giá vàng lại có tác động không hề nhỏ đến giá đất và một mặt nào đó có thể nói có sự liên thông với giá đất. Nó sẽ có độ ngấm, dù chậm vài tháng nhưng gần như thành quy luật nhiều năm nay, giá vàng tăng cũng sẽ đẩy giá đất tăng. Có rất nhiều người ở ta luôn tính giá nhà đất theo giá vàng. Và họ luôn đúng.

    Thứ 3 là thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm, hiện VNindex đã tiệm cận mốc gần 1.200 là mức cao nhất mà lịch sử thị trường ck VN đã ghi nhận. Nhiều nhà đầu tư chốt lời thì lợi nhuận thu được đổ vào đất, cũng là một kênh tốt để đánh dấu chiến thắng trên thị trường đầy biến rộng và rủi ro.

    Với một loạt yếu tố trên, không khó hiểu việc giá đất tăng một loạt ở các địa phương. Các loại "cò" họ cũng chỉ có thể tác động phần nào đến giá cả, phong trào giao dịch mua bán đất rầm rộ ở thời điểm này thôi. Mà thực ra, khi đã bỏ tiền tỷ mua đất, cũng không phải ai cũng tin vào mồm "cò" đâu. Họ chỉ là những người môi giới, hỗ trợ, họa hoằn lừa được vài người lơ mơ thôi.

    Kết lại là, trong một bối cảnh nền kinh tế không mấy sáng sủa, thị trường chứng khoán luôn biến động đầy rủi ro, lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng thì thấp nhất trong hàng chục năm qua... việc người dân gửi "tình yêu vào đất" nhiều, giá tăng ở thời điểm này chẳng có gì lạ cả. Đừng chỉ đổ lỗi cho các đàn "cò".

    TOP