Tiếp thị & Pháp luật

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí là một đòi hỏi tất yếu

  • Thứ sáu, 17:15 Ngày 21/06/2019
  • Báo chí vừa là người bạn đồng hành thân thiết, vừa là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng và cộng đồng. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2019), Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có cuộc trò chuyện với TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Vinasme xoay quanh về vấn đề này.

     TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Vinasme

    Thưa TS. Tô Hoài Nam, với vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư kí Vinasme, phụ trách hoạt động các cơ quan báo chí thuộc Hiệp hội, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay?

     TS. Tô Hoài Nam: “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp” là một cụm từ được nhắc đến nhiều trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính trị của báo chí không chỉ phục vụ doanh nghiệp mà còn phải phục vụ cộng đồng xã hội. Vì vậy, nói báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp là phải hiểu đúng chữ “đồng hành” và đây là một nhiệm vụ rất khó vì hiện nay mối quan hệ thân thiết giữa doanh nghiệp và báo chí là một đòi hỏi tất yếu. Điều này thể hiện qua tính xác thực và độ tin cậy của thông tin, là sự tương hỗ hai chiều: doanh nghiệp cần báo chí và báo chí cũng cần doanh nghiệp. Doanh nghiệp luôn cần đến báo chí để nắm bắt chủ trương, chính sách, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình. Ngược lại, báo chí cũng cần đến doanh nghiệp để có đối tượng phản ánh, thu thập thông tin.

     Từ khi nền kinh tế mở cửa hội nhập, báo chí Việt Nam cũng ngày càng hiện đại, phản ánh nhanh nhạy các vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Là lãnh đạo cơ quan chủ quản, tôi đánh giá rất cao vai trò cầu nối, sức lan tỏa và tính chiến đấu của Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập. Tạp chí đã hoành thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện thành công sứ mệnh của mình là xây dựng hình ảnh của doanh nhân, là kênh thông tin hữu hiệu để truyền thông, quảng bá cho doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế và thương hiệu trên thương trường…

     Ngoài kênh thông tin, báo chí còn là một kênh phản biện hữu hiệu, vừa biểu dương những điển hình tốt trong làm ăn nhưng cũng như phê phán, đấu tranh, lên án những doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn không tốt, vi phạm pháp luật như phá hoại môi trường, làm hàng giả, lừa đảo khách hàng, sản phẩm không như quảng cáo... Khi báo chí đề cập đến những điều hạn chế của doanh nghiệp, thực chất về mặt sâu xa đó là giúp cho doanh nghiệp phát triển, bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh tốt, tác động tới đạo đức kinh doanh của các doanh nhân, các nhà kinh tế. Đó là điều rất cần thiết nhưng chính những điều đó buộc báo chí phải tính toán và cân nhắc rất kỹ, bởi vì nếu chúng ta thông tin về những hạn chế của doanh nghiệp mà không đầy đủ hoặc thiếu chính xác thì có thể để lại những hậu quả, làm hạn chế cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

    Xin ông cho biết, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, thời gian tới báo chí cần tập trung vào những vấn đề gì?

    TS. Tô Hoài Nam: Trong thời đại công nghiệp 4.0, báo chí, truyền thông còn là trường học xã hội rộng lớn cho nhân dân, cho các doanh nhân, tôn vinh các giá trị dân tộc, nhân văn tốt đẹp, góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam… Bởi vậy, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan báo chí cần phản ánh những thông tin chính xác, phải nghe đa chiều, nhiều phía. Khi phát hiện doanh nghiệp sai phạm, các phóng viên, nhà báo cần đến tận nơi, trực tiếp hỏi, nghe từ nhiều phía để phản ánh được chính xác nhất, đúng đắn nhất tất các vấn đề của doanh nghiệp. Điều này cũng là cầu nối để báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ gần gũi, chặt chẽ hơn, nhất là các cơ quan báo chí có đối tượng phản ánh là cộng đồng doanh nghiệp. Theo tôi, báo chí cần tăng cường nhiều hơn nữa các hoạt động bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ cái đúng, khi bảo vệ phải theo đuổi đến cùng sự việc. Đặc biệt, khi đến với doanh nghiệp, người làm báo cần chân tình để doanh nghiệp tin tưởng.

    Theo xu hướng chung, báo chí hiện nay hầu hết tự chủ về mặt tài chính.Tự chủ về mặt tài chính, có nghĩa là nguồn thu để duy trì bộ máy hoạt động dựa vào việc tuyên truyền, quảng cáo, trong đó đối tượng chính khai thác lại là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp quảng cáo hơi quá đà, nếu cơ quan báo chí không tư vấn kịp thời thì những điều đó sẽ làm hại doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp tốt 7 mà chúng ta PR đến 10, khi người tiêu dùng lựa chọn và dùng không tốt thì thương hiệu và uy tín của báo chí sẽ bị ảnh hưởng.

     Trong xu thế hội nhập người làm báo cần có những yếu tố gì để đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và liên quan đến hoạt động của DN riêng, thưa TS?

    TS. Tô Hoài Nam: Các phóng viên, nhà báo cần rất nhiều các yếu tố, trước tiên dù trong bất kỳ thời kỳ nào, người làm báo cũng phải luôn dũng cảm. Dũng cảm ở đây là chọn những đề tài hóc búa, những nội dung có vấn đề đánh trúng vào nhu cầu của bạn đọc để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tính đúng đắn của chính sách, tuyên truyền ý thức bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ doanh nghiệp chân chính làm ăn đúng đắn. Làm báo là phải “dấn thân”, thậm chí luôn thường trực đón nhận những sự nguy hiểm. Không vượt qua được điều đó thì đồng nghĩa với sự thất bại của bản thân người làm báo và cơ quan báo chí. Báo chí cần mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt những hiện tượng nhũng nhiễu ở tuyến cơ sở. Tôi thấy hiện nay báo chí đề cập nhiều về tình trạng gây khó, thậm chí đòi hỏi bôi trơn từ doanh nghiệp của của một số cơ quan công quyền nhưng cần quyết liệt hơn nữa, do vậy đòi hỏi sự dũng cảm của các nhà báo, phóng viên. Cùng đó, người làm báo phải trung thực và có tâm. Phải hiểu cho đúng về phản ánh tiêu cực không phải cứ phản ánh một việc làm sai của doanh nghiệp mà không ghi nhận những việc làm tốt, đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Để báo chí đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đội ngũ người làm báo nên thường xuyên cập nhật kiến thức về lĩnh vực mình phụ trách, phải hiểu biết sâu rộng và phản ánh thông tin nhanh nhạy… Mỗi khi tiếp cận tìm hiểu về doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát, có quan điểm rõ ràng. Người làm báo cần phản ánh trung thực tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng thông tin. Mặt khác, người làm báo không chạy theo khuynh hướng thị trường, nếu đặt nặng vấn đề kinh tế sẽ dẫn đến chệch hướng, thiếu khách quan khi tiếp nhận, khai thác và phản ánh thông tin. Cho nên nhà báo cần trau dồi đạo đức nghề nghiệp, nhất là những người làm báo về lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp. Vì lĩnh vực này là môi trường dễ có nhiều cám dỗ vật chất, nhà báo dễ lợi dụng và cũng dễ bị lợi dụng nhất nếu không có đạo đức nghề nghiệp. Cuối cùng, đội ngũ làm báo cần nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể tiếp cận thông tin sâu rộng và đa dạng, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

     Ông đánh giá gì về Quyết định quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ kỷ?

    TS. Tô Hoài Nam: Đây là một bước kiện toàn lại toàn bộ hệ thống báo chí của Việt Nam. Về lâu dài thì quy hoạch sẽ tạo nên những cơ quan báo chí thực sự mạnh về chất lượng và trách nhiệm. Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trong năm 2019 sẽ hoàn thành thực hiện nhiệm vụ quy hoạch các cơ quan báo chí. Dù sẽ có sự xáo trộn đối với các tổ chức, các cơ quan báo chí trong Hội nhưng với trách nhiệm là một tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thường trực Hiệp hội phải nghiêm túc thực hiện tốt nhiệm vụ này. Đây cũng có thể là một thách thức cho các cơ quan báo chí trong Hội nhưng khi nghiên cứu kỹ, có thể thấy đây là một điều kiện thuận lợi để những cơ quan báo chí thuộc Trung ương Hội tìm ra cách làm đúng phù hợp với thực tế để đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng người dân, xã hội và là cầu nối, đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan ban hành chính sách. Cơ quan báo chí làm đúng như vậy sẽ phát triển và sức hoạt động sẽ mạnh mẽ hơn. Tôi cũng hy vọng Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ trở thành một đơn vị đi đầu ủng hộ tích cực Quyết định quy hoạch báo chí của Chính phủ nói chung và quy hoạch cụ thể trong cơ quan Hội nói riêng.

    Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2019, thay mặt Thường trực Hiệp hội, tôi xin chúc Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập không ngừng phát triển, xứng đáng là người đồng hành tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp. Chúc toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Tạp chí sức khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ của những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng.

    Xin trân trọng cảm ơn Tiến sỹ

    Trí Kiên - Thu Giang

     

    TOP