Tiếp thị & Pháp luật

CÁC KHÍA CẠNH PHÁP LÝ CƠ BẢN VỀ "VI BẰNG"!

  • Thứ ba, 01:33 Ngày 21/07/2020
  • Bài viết của Luật sư Đặng Bá Kỹ 

    Mọi thông tin phản ánh với báo chí hoặc tư vấn luật sư vui lòng gởi về mail: Baodoanhnghiephoinhap@gmail.com 


       Trong thời gian gần đây, rất nhiều giao dịch liên quan đến nhà, đất được các bên yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tiến hành lập Vi bằng cho giao dịch đó, thay vì đến Văn phòng/Phòng Công chứng yêu cầu lập Văn bản Công chứng! Có rất nhiều Người dân - Vì nhiều nguyên do khác nhau, đã hiểu sai về giá trị pháp lý của Vi bằng! Bài viết này, nhằm giúp những ai còn "Lơ mơ" về Vi bằng hiểu rõ được bản chất và giá trị pháp lý của Nó. Bài viết được trình bày theo ngôn ngữ thuần túy, dễ hiểu, không phô trương kiến thức, và chỉ bó hẹp trong một vài khía cạnh có liên quan. 

       1. Vi bằng là gì? 

    Vi bằng là bằng chứng về hành vi, sự việc, sự kiện do Chấp hành viên (Trong Văn bản pháp quy gọi là "Thừa phát lại", nhưng việc sử dụng cụm từ này dễ gây rối rắm cho Người đọc, nên ở đây Tác giả dùng thuật ngữ tương đương là "Chấp hành viên" - Việc gọi tên, không hề ảnh hưởng đến bản chất vấn đề được nói đến trong Bài viết này) thuộc Văn phòng thừa phát lại lập theo yêu cầu của khách hàng: Để ghi nhận, mô tả về việc đã tồn tại một hành vi, sự kiện nào đó! 

    Ví dụ: Ông A, vì thù ghét, hận tình Cô B, nên vào lúc 19h00 ngày 08/8/2018, Ông A đã đăng một bài viết trên trang Fb cá nhân, nhằm vu khống, nói xấu Cô B; Cô B muốn kiện Ông A vì đã có hành vi xúc phạm mình; Muốn thắng kiện Cô B phải trưng ra được bằng chứng; Trong khi đó, bài viết trên trang Cá nhân - Ông A có thể xóa bất kì lúc nào; Cho nên để "Có chứng cứ pháp lý" Cô B nên cần yêu cầu Văn phòng thừa phát lại lập một Văn bản, trong đó ghi nhận, mô tả về sự việc Ông A đăng bài nói xấu Cô ..... Văn bản do Văn phòng thừa phát lại lập đó - Gọi là Vi bằng. 

       2. Giá trị pháp lý của Vi bằng

    Vi bằng được dùng làm chứng cứ trong quá trình giải quyết các Vụ việc tranh chấp tại Tòa án, Trọng tài hoặc các giao dịch khác mà pháp luật quy định! Nội dung đã được ghi nhận trong Vi bằng - Đương nhiên được xem là đã tồn tại, đã xảy ra mà không cần chứng minh. Trừ khi có một bằng chứng đủ mạnh, để chứng mình rằng Vi bằng đã bị giả tạo! 

    Ví dụ: Lúc 14h00 Ông C là Cổ đông, đang có tranh chấp với Công ty D, đã đến trụ sở Công ty D để yêu Cầu gặp những Người quản lý Công ty; Tuy nhiên khi đến nơi, Ông C không được bảo vệ cho vào, trong trường hợp này, để chứng minh những Người quản lý Công ty, đã có hành vi cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ Cổ đông của mình, thì Ông C có quyền yêu cầu Văn phòng thừa phát lại, lập Vi bằng ghi nhận việc mình bị bảo vệ công ty cấm cửa. Vi bằng đó sẽ là bằng chứng để sử dụng trong quá trình giải quyết vụ việc về tranh chấp liên quan đến Công ty D! Và việc Ông C bị cấm cửa đã được lập Vi bằng đương nhiên được xem là chính xác. 

       3. Bản chất pháp lý của Vi Bằng trong sự đối sánh với Văn bản Công chứng. 

    a. Vi bằng - Như đã nói - Là Văn bản do [Chấp hành viên] thuộc [Văn phòng Thừa phát lại] lập theo yêu cầu của khách hàng, để ghi nhận, mô tả về một hành vi, sự việc đã, đang xảy ra. Nhiệm vụ của chấp hành viên là ghi nhận, mô tả đầy đủ, chính xác về một hành vi, sự việc được yêu cầu lập Vi bằng. Còn nội dung (Hành vi, sự việc) đó có đúng pháp luật hay không, Chấp hành viên không cần quan tâm. 

    Ví dụ: Ông E muốn bán một căn nhà và đất cho Bà F, Ông E yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại lập Vi bằng cho việc mua bán này. Thì nhiệm vụ của Chấp hành viên, chỉ đơn giản là lập Văn bản - Gọi là Vi bằng, ghi nhận thời gian, địa điểm, sự việc Ông E có bán nhà, đất cho Bà F, Bà F đã giao tiền cho Ông E! [Chấm hết] - Còn Chấp hành viên KHÔNG có nghĩa vụ phải xác định giao dịch của Các bên có phù hợp và đáp ứng được các điều kiện của pháp luật hay không, ví dụ: Nhà, đất đã được Nhà nước cấp sổ đỏ, sổ hồng chưa. Nhà đất của một mình Ông E hay có chung với ai nữa, Ông E có được toàn quyền định đoạt không ...... Đó là những yếu tố mà Chấp hành viên không cần quan tâm! Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa Vi bằng và Văn bản Công chứng.

    b. Văn bản Công chứng - Là Văn bản do Công chứng viên thuộc Văn phòng/Phòng công chứng lập theo yêu cầu của khách hàng nhằm chứng nhận cho giao dịch dân sự của các bên là hợp pháp. 

    Như vậy Văn bản Công chứng ghi nhận 2 vấn đề: (i) Có tồn tại giao dịch dân sự, ví dụ mua bán nhà, vay tiền ....; Và (ii) Giao dịch mà các bên đã thiết lập là đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật. Chúng ta sẽ lấy lại ví dụ trên về việc Ông E bán nhà, đất cho Bà F, để thấy rõ sự khác biệt giữa Vi bằng và Văn bản Công chứng. 

    Ví dụ: Ông E muốn bán một căn nhà và đất cho Bà F, ông E yêu cầu Công chứng viên lập Văn bản chứng nhận cho việc mua bán này. Thì nhiệm vụ của Công chứng viên phải: (i) Đầu tiên kiểm trả về năng lực hành vi dân sự: Xem các bên có hoàn toàn bình thường không; Nếu bị thần kinh, tâm thần, hay đang trong tình trạng ngáo đá ..... thì dẹp, không Công chứng được; (ii) Kiểm tra về pháp lý của Nhà đất: Đã được cấp sổ đỏ, sổ hồng chưa, có bị vấn đề gì không; Nếu đang có tranh chấp tại Tòa án, đang bị kê biên để thi hành án ..... thì dẹp, không Công chứng được; (iii) Kiểm tra về quyền của Chủ sở hữu: Ông E có phải Chủ sở hữu toàn bộ Nhà đất không, nếu tạo lập trong thời kì hôn nhân thì phải về gọi Vợ đến ký, hoặc Vợ ủy quyền cho Ông E ký tất, rồi khi Vợ đến phải kiểm tra xem có đúng là Vợ không, Giấy kết hôn đâu .... Nếu đem bồ đến ..... thì dẹp, không Công chứng được! 

    Tóm lại, Công chứng viên khi muốn chứng nhận một hợp đồng giao dịch là phải kiểm tra hết mọi thứ xem giao dịch đó có đúng với quy định của pháp luật không thì mới tiến hành lập Văn bản Công chứng; Còn Chấp hành viên thuộc Văn phòng thừa phát lại, khi lập Vi bằng, chỉ ghi nhận, mô tả có sự tồn tại sự kiện, hành vi đó mà thôi, không cần quan tâm những chuyện khác. 

       4. Khi nào thì nên lập Vi bằng - Khi nào nên lập Văn bản Công chứng?! 

    a. Đối với những Hợp đồng, giao dịch mà pháp luật bắt buộc phải Công chứng như: Hợp đồng mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Thế chấp Nhà, đất ..... Thì buộc phải Công chứng mới có giá trị. Ví dụ các bên Mua bán nhà đất phải công chứng mới đăng bộ (Sang tên đổi chủ) được, còn lập Vi bằng thì không được. Và thường thì: Những trường hợp mua bán nhà đất chưa đủ điều kiện để Công chứng (Bị Công chứng viên từ chối chứng nhận), các bên mới quay sang yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại lập Vi bằng - Vi bằng trong trường hợp này chỉ có một ý nghĩa chứng minh các bên có việc mua bán đó; Và khi có tranh chấp tại Tòa án, Tòa có thể tuyên giao dịch này vô hiệu về hình thức và không đủ điều kiện mua bán ...... Nghĩa rằng Tòa vẫn thừa nhận các bên có việc mua bán này, vì đã được lập Vi bằng, không bên nào chối được là đã không tham gia giao dịch đó; Nhưng việc mua bán đó không có giá trị pháp lý, vì sai luật. Hay nói cách khác, việc lập Vi bằng trong trường hợp này, không khác gì việc mua bán bằng "Giấy tay" là mấy, có chăng, mua bán bằng "Giấy tay" thì các bên có thể cãi chày cối là mình không ký, rồi phải đi giám định chữ ký ...... Còn trong mối quan hệ với Cơ quan chức năng, thì hoàn toàn giống nhau! Đây cũng chính là Thông điệp trọng tâm của bài viết này.

    b. Nói như vậy không có nghĩa là Vi bằng không có một vai trò gì trong Xã hội pháp lý; Vì nếu vậy, Người ta không "Đẻ" ra Vi bằng làm gì! Có những vấn đề mà chỉ có Vi bằng mới thực hiện được mà Văn bản Công chứng - Công chứng viên không thể làm được. Ví dụ như việc ghi nhận hành vi đăng bài Fb nói xấu ở trên, để lưu lại chứng cứ thì phải lập Vi bằng; Còn Công chứng viên không có thẩm quyền chứng nhận sự kiện này. 

    Một ví dụ đắt giá để Chúng ta thấy vai trò của Vi bằng: Ngày 01/3/2018 Ông M ra Văn phòng công chứng ký hợp đồng bán một Căn nhà cho Bà N. Trong Hợp đồng đã công chứng có ghi rõ: Chậm nhất đến ngày 30/3/2018, Bà N phải có mặt tại chính Văn phòng công chứng này, để giao số tiền 2 tỷ còn thiếu cho Ông M; Nếu trễ hẹn, thì Ông M có quyền hủy hợp đồng, lấy lại nhà, và toàn bộ tiền Bà N đã giao cho Ông M trước đó, thuộc về Ông M. Đến ngày cuối cùng của thời hạn là 30/3/2018 - Bà N đến Văn phòng công chứng để giao tiền, nhưng Ông M không đến, vì muốn vu vạ cho Bà N là trả nợ quá hạn nhằm hủy hợp đồng; Trong trường hợp này Bà N cần phải yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại cử chấp hành viên đến Văn phòng công chứng để lập Vi bằng, ghi nhận sự việc bà có mang tiền đến giao, nhưng ông M không đến. Và khi tranh chấp xảy ra, Vi bằng chính là chứng cứ, chứng minh bà N không vi phạm hợp đồng!

        5. Kết luận

    Vi bằng do Chấp hành viên của Văn phòng Thừa phát lại lập và Văn bản Công chứng do Công chứng viên của Văn phòng/Phòng Công chứng lập đều có những giá trị pháp lý nhất định. Có những quan hệ pháp luật chỉ thuộc về chức năng của Công chứng như chứng nhận Hợp đồng mua bán nhà đất; Và có những quan hệ pháp luật chỉ thuộc chức năng của Thừa phát lại như lập Vi bằng ghi nhận sự tồn tại của hành vi, sư việc, sự kiện như việc đăng tin bài vu khống, việc có mặt ở hiện trường ...... Việc xác định khi nào thuộc chức năng của ai, ngoài sự hiểu biết của Người dân về các quy định của pháp luật, còn là tâm đức của Người làm nghề, cần giải thích rõ cho Người dân hiểu về bản chất pháp lý của loại hình công việc họ đang làm. Thiết nghĩ, đó chính là sự tuyên truyền, phổ biến pháp luật thiết thực và dễ hiểu nhất, ngay cho cả những Người dân không có điều kiện để học hành./.

    Viết tại Sài Gòn, ngày 17/06/2019 - Luật sư Đặng Bá Kỹ! 

    [Các Bạn có thể chia sẻ bài viết ở dạng trực tiếp hoặc Copy dán về Trang cá nhân - Nhưng cần dẫn nguồn]

    TOP