Để đảm bảo phòng chống dịch, chính quyền sẽ tổ chức tuần tra liên tục, xử nghiêm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, ra khỏi nhà không có lý do chính đáng…
Theo lịch xét xử, ngày 21-7, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ đưa vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS ra xét xử phúc thẩm đối với nam tiếp viên Vietnam Airlines Dương Tấn Hậu.
Lực lượng chức năng kiểm soát người dân ra đường tại chốt trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM vào chiều 12-7. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nhiều vụ vi phạm quy định phòng chống dịch
Tuy nhiên, từ 0 giờ ngày 9-7, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong 15 ngày. Do đó, ngày 8-7, chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM thông báo hoãn tất cả phiên tòa đến hết ngày 23-7.
Đây là vụ án làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người khác đầu tiên bị đưa ra xét xử tại TP.HCM. Trước đó, ngày 30-3, TAND TP.HCM đã phạt Hậu hai năm tù nhưng cho hưởng án treo. Hậu sau khi phục vụ trên chuyến bay từ Nhật Bản về nước đã được đưa đi cách ly tập trung, sau đó cách ly tại nhà. Tuy nhiên, trong thời gian cách ly, Hậu liên tục di chuyển và tiếp xúc với nhiều người, không tuân thủ các quy tắc phòng dịch.
Dịch bệnh ngày càng phức tạp, số ca nhiễm COVID-19 tăng lên mỗi ngày, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Kèm theo đó là những hành vi vi phạm về phòng chống dịch bệnh cũng tăng lên, xuất hiện tại nhiều địa phương. Nhiều người đã bị xử phạt do vi phạm quy định về phòng chống dịch, trong đó có cả xử lý hình sự.
Ngoài vụ án nam tiếp viên hàng không đã bị đưa ra xét xử, nhiều vụ án khác đã bị khởi tố.
Tại Cà Mau, ngày 8-7, Công an TP Cà Mau đã khởi tố hai vụ án liên quan phòng chống dịch COVID-19. Một vụ liên quan đến hành vi khai báo y tế gian dối, một vụ do chống người thi hành công vụ tại khu cách ly tập trung.
Trong đó, vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người liên quan đến hành vi khai báo y tế gian dối của ông LVTr., bệnh nhân số 23.659. Bệnh nhân Tr. là nhân viên giao nước đá cho một số vựa cá tại chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM.
Khoảng 10 giờ sáng 2-7, ông Tr. đi xe máy từ TP.HCM về đến TP Cà Mau. Ông đến Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau làm hồ sơ, thủ tục hưởng BHXH một lần.
Tại quầy hướng dẫn, ông Tr. đã khai báo y tế rằng không đi ra khỏi địa bàn tỉnh. Sau đó, ông Tr. đến giao dịch tại một số quầy trong trung tâm hành chính…
Từ ngày 7-7, tỉnh Cà Mau lần đầu ghi nhận có ca COVID-19 trong cộng đồng, đến nay Cà Mau đã ghi nhận 11 ca COVID-19 mới.
Phạt hành chính hay xử lý hình sự đều đã có quy định
Vi phạm quy định về phòng chống dịch, ở mức độ hành chính, người vi phạm bị xử lý theo Nghị định 117/2020.
Cụ thể, các cá nhân vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch sẽ bị xử phạt 1-40 triệu đồng (gấp đôi đối với tổ chức) tùy vào hành vi vi phạm (Điều 12 Nghị định 117/2020).
Đơn cử như hành vi không đeo khẩu trang khi ra ngoài, không giữ khoảng cách 2 m ở nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không thuộc các trường hợp thực sự cần thiết… sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng.
Hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
Ở mức độ hình sự, người vi phạm có thể bị xem xét khởi tố theo Điều 240 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Khi dịch bệnh bùng phát, TAND Tối cao ban hành Văn bản 45/2020 hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Theo hướng dẫn này, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc người trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly nhưng không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ, khai báo gian dối; trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly thì bị coi là trường hợp thực hiện hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 12 năm.
Cạnh đó, người sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa nhưng không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ, khai báo gian dối; trốn khỏi nơi cách ly, nơi phong tỏa; không tuân thủ quy định về cách ly… gây thiệt hại 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 BLHS.
Đừng để vướng lao lý vì những điều không đáng Từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều người vi phạm quy định phòng chống dịch đã bị phạt hành chính, thậm chí bị khởi tố và đưa ra xét xử. Tuy nhiên, đến nay nhiều người vẫn cố tình vi phạm khiến dịch bệnh lây lan ngày càng khó lường và nghiêm trọng. TP.HCM và nhiều địa phương khác đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Để đảm bảo phòng chống dịch, chính quyền sẽ tổ chức đội tuần tra hoạt động 24/24 giờ, xử nghiêm hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra khỏi nhà không có lý do chính đáng. Pháp luật đã có đầy đủ chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc phòng chống dịch có thành công hay không còn tùy thuộc nhiều vào ý thức của người dân. Vì vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo và tin tưởng vào các chính sách phòng chống dịch của các cơ quan chức năng. Người dân cần chủ động tìm hiểu các biện pháp, các quy định về phòng chống dịch và tuân thủ tuyệt đối nhằm bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội, đồng thời chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh. Ngoài ra, việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch sẽ là tấm lá chắn cho người dân trước nguy cơ bị phạt hành chính hay bị xử lý hình sự. Luật sư LÊ DOÃN TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HC |
YẾN CHÂU
https://m.plo.vn/phap-luat/coi-chung-bi-tu-toi-trong-mua-covid19-1000105.html?
Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức Hội thảo khoa học nhằm góp phần hoàn thiện Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc dân sự và bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong hoạt động tố tụng.