Tiếp thị & Pháp luật

Bàn luận Luật đầu tư 2020: Nhà đầu tư nước ngoài cần lưu tâm điều chi?

  • Thứ năm, 12:14 Ngày 12/11/2020
  • Thời điểm chuyển giao giữa Luật đầu tư 2014 và Luật đầu tư 2020 ắt hẳn thu hút rất nhiều sự chú ý của không chỉ giới kinh doanh ở thị trường Việt Nam mà có thể cả các cá nhân, pháp nhân là nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, cũng như bao lần khác, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” – việc tận dụng tối đa lợi thế của những quy định pháp luật được chỉnh sửa, bổ sung ngay từ vạch xuất phát sẽ tối ưu hóa lợi nhuận của các nhà đầu tư hơn trong giai đoạn về sau!

    Sơ nét quá trình các quy định chung trong Luật đầu tư 2014

    Trước ngày Luật đầu tư (LĐT) 2020 có hiệu lực thì về nguyên tắc, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) khi triển khai, tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vẫn tuân theo quy định LĐT 2014. Và dù ít nhiều có sự thay đổi trong văn bản luật mới, NĐTNN cũng trải qua các giai đoạn thực hiện đầu tư như sau:

    (i) Xem xét, cân nhắc lĩnh vực “rót tiền” theo danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện/ bị cấm, từ đó đối chiếu lĩnh vực của mình có thuộc diện ưu đãi đầu tư/ cần có chấp thuận chủ trương đầu tư hay không;

    (ii) NĐTNN cần quyết định thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư, hay thực hiện đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế;

    (iii) Nếu thành lập tổ chức kinh tế, NĐTNN phải đáp ứng quy định pháp luật để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nếu chọn phương án còn lại thì NĐTNN cần đảm bảo quy định về hình thức đầu tư, tỉ lệ sở hữu vốn góp,…

    (iv) NĐTNN tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

    Nhìn nhận tổng quan, việc thu hút NĐTNN đến nước ta thực hiện kinh doanh, góp phần phát triển đất nước là mục tiêu cao nhất mà các ban ngành hướng đến. Do vậy, việc có những “đãi ngộ” dành cho NĐTNN, cũng như thiết lập các quy định để kiểm soát hoạt động đầu tư là điều rất cần thiết. Và, trong LĐT 2020 tới đây, cả hai vấn đề này đã được cụ thể hóa thành các quy định như sau:

    Thay đổi đáng kể trong ngành nghề đăng ký kinh doanh

    LĐT 2020 đã thay đổi, điều chỉnh ngành nghề đầu tư kinh doanh theo hướng: (i) Bổ sung hoạt động “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ” vào ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và (ii) Bãi bỏ một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bất hợp lý.

    Sở dĩ, có sự thay đổi lớn về ngành nghề đầu tư kinh doanh kể trên bởi lẽ, hoạt động đòi nợ trong thời gian vừa qua đã ít nhiều biến tướng, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đáng kể đến đời sống người dân, Do vậy, việc cấm kinh doanh hoạt động này như một giải pháp ngăn chặn rủi ro, việc đòi nợ từ giờ sẽ thực hiện thông qua con đường pháp lý, ví dụ nhờ đến sự hỗ trợ từ đội ngũ Luật sư.

    Ngoài ra, việc cắt giảm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là một phương án hiệu quả, giúp NĐTNN vừa tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường nước ta, vùa rút ngắn thời gian xin cấp phép các thủ tục pháp lý không cần thiết. Ví dụ: Hoạt động kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản (MS 110) vốn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo LDN 2014, đã được lược bỏ trong LĐT 2020. Thực tiễn cho thấy, thị trường BĐS ở nước ta thời gian vừa qua đã phát triển “cực thịnh”, xu hướng “chọn thổ, không chọn vàng” được dự đoán vẫn còn tăng trong giai đoạn tới. Lẽ vì thế, nhu cầu trau dồi vốn kiến thức về BĐS là nhu cầu tất yếu, do đó nếu NĐTNN có nhu cầu kinh doanh lĩnh vực này và bị hạn chế, do đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì quả thật không cần thiết, gián tiếp làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp

    Mở rộng chính sách về ưu đãi đầu tư!

    Việc quy định chi tiết hơn về ưu đãi đầu tư trong LĐT 2020 có thể nhận định ràng, Chính phủ nước ta đang “giang tay” chào đón, thu hút nhiều hơn NĐTNN vào những ngành nghề nhận ưu đãi/ những khu vực cần đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật.

    Cụ thể, LĐT 2020 đã bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư so với hiện nay như: Giáo dục đại học; Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành,… tại Khoản 1 Điều 16. Đây vốn dĩ là các ngành nghề có xư hướng phát triển và nhu cầu ngày càng tăng trong tương lai (ví dụ chuỗi cung ứng Logistics,…).

    Mặt khác, LĐT 2020 cũng bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư rất phù hợp với thực tế là: Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển. Đây vốn là tâm nguyện của rất nhiều startup và quỹ đầu tư nước ngoài, bởi lẽ xu hướng khởi nghiệp kinh doanh đã thịnh hành, phát triển không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới.

    Ngoài ra, Luật cũng bổ sung thêm hình thức ưu đãi đầu tư mới theo quy định tại Điều 15 LĐT 2020. Đặc biệt, dự án đầu tư của NĐTNN có thể nhận được ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ, nếu dự án đầu tư đó có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, đây là một chính sách mới nhằm thể hiện sự thiện chí, mong muốn hợp tác cùng các NĐTNN để cùng xây dựng, phát triển theo mô hình “win – win” giữa NĐT và nền kinh tế của nước ta.

    Lập “hàng rào” ngăn chặn đầu tư núp bóng!

    Có “thưởng” thì cũng có “phạt”, với việc ban hành LĐT 2020 thì các nhà làm luật đã dự liệu, thiết lập các chế định pháp luật cần thiết để ngăn chặn, xóa sổ những tình huống đầu tư mờ ám xảy ra trong thời gian qua.

    Theo đó, pháp luật bổ sung quy định về: (i) Giám định vốn đầu tư theo Điều 45, (ii) Không gia hạn thực hiện dự án đầu tư với các dự án được quy định tại Điều 44.4, (iii) Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư khi xét thấy, hoạt động đầu tư được thực hiện trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự theo Điều 48.1).

    Sở dĩ, pháp luật phải quy định chi tiết vấn đề này vì trong thời gian vừa qua, xảy ra rất nhiều tình trạng NĐTNN lợi dụng các hình thức “đánh lận con đen’ như kinh doanh tiền điện tử như Ifan, Bitkingdom (dựa trên nền tảng là kinh doanh đa cấp bất chính) – các đối tượng sử dụng vỏ bọc đầy là hình thức đầu tư, kinh doanh để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản từ nhà đầu tư trong nước. Do đó, để quản lý hoạt động này, LĐT 2020 đã đề ra các chế định cho phép cơ quan chức năng ngăn chặn trực tiếp hành vi vi phạm trên, không để xảy ra tình trạng “Luật không ban hành, khó phân xử” như tình hình trước đây!

    Tạm kết, dù vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa để kiểm đếm độ hiệu quả của LĐT 2020, người viết cho rằng trong thời gian đến, việc hưởng lợi từ khung hành lang pháp lý bảo vệ tối đa thị trường đầu tư tại Việt Nam sẽ giúp NĐTNN cởi mở, tin tưởng hơn trong việc rót tiền vào đây, vốn là điều đã được các cơ quan báo chí quốc tế nhận định trong suốt thời gian vừa qua khi sau đại dịch Covid, Việt Nam chính là “mỏ vàng” được nhiều NĐT theo dõi, quan tâm nhất!

    PV Nguyễn Châu Phong - Đỗ Văn Hiếu

    TOP