Tiếp thị & Pháp luật

Giới thiệu tác phẩm mới Giấc Mộng Chiều của tác giả Trần Hữu Vinh

  • Thứ hai, 14:04 Ngày 19/08/2024
  • Vài lời giới thiệu cùng bạn đọc.

    Tôi tên Trần Hữu Vinh, sinh năm 1953 tại Quảng Trị vùng tuyến đầu khói lửa. Năm 1967 chiến tranh lan rộng, vùng đất bị giải tỏa trắng, theo gia đình vào tỉnh lỵ, Huế rồi Đà Nẵng. Năm 1974 vào Sài Gòn tiếp tục học, cho đến khi thống nhất đất nước. Về quê, tôi tham gia các phong trào nông thôn, hội văn học nghệ thuật huyện Bến Hải, Bình Trị Thiên.

    Năm 1984 vào lại Sài Gòn sinh sống bằng việc bán sách cũ, mở cơ sở may, rảnh rỗi cũng làm thơ, viết nhạc nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, lo chuyện áo cơm, cho nên đa phần bị thất lạc. Mấy năm gần đây cuộc sống ổn định, thỉnh thoảng đi nước ngoài, lấy nguồn cảm hứng từ những lần xa nhà, hoài niệm về nơi có một tình yêu đằm thắm, tình quê hương thiết tha, làm nên những vần điệu của tiếng lòng với bao nhung nhớ.

    Tác phẩm Giấc Mộng Chiều là những bài thơ chứa chan tình cảm được chọn lọc từ những năm tháng tha phương khi tuổi đời chồng chất nhưng tâm hồn vẫn dào dạt tình yêu quê hương lứa đôi. Dù còn nhiều thiếu sót, chưa diễn tả hết cảm xúc, chỉ gởi tấm chân tình đến các bạn yêu thơ ca lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và lời chào thân ái.

    BÀI THƠ GIẤC MỘNG CHIỀU

    Em tặng cho tôi một nụ cười

    Hơn ngàn câu nói của thương yêu

    Mắt em thăm thẳm hồ thu thủy

    Chứa cả hồn tôi giấc mộng chiều

    Giọt nắng cuối ngày đậu lên vai

    Gió mênh mang nhẹ gót trang đài

    Tóc mây ủ ướp mùi hương bưởi

    Thơm tỏa vào lòng tôi ngất ngây

    Tôi đến thăm em một chiều xuân

    Lối nhỏ quen xưa cũng tần ngần

    Cà phê góc phố cùng hò hẹn

    Uống cạn men tình tuổi thanh tân

    Em tặng cho tôi một nụ cười

    Là ngàn câu nói của thương yêu

    Mắt em chứa cả khung trời mộng

    Mộng đẹp đời mình vẫn có nhau

    Giấy Phép Xuất Bản, Giấy Phép Phát Hành tác phẩm...đang cập nhật

    Bản Quyền Tác Giả, Tác Phẩm ...đang cập nhật

    Lời nhận xét từ bạn đọc về tác giả và tác phẩm:

    Trần Hữu Vinh là một nhà thơ nhưng có lẽ ít người biết đến, bởi viết rồi để đó cho dù nhiều bài hay, sâu lắng có hồn mà một số bạn bè đã đọc và cảm nhận. Mỗi lần nghe như vậy anh khiêm tốn nói tài vặt thôi mà, ừ anh có nhiều tài lẻ lắm như viết nhạc, chơi đàn viết chuyện phiếm. Thế nhưng, tất cả những bài cũ anh không lưu lại đều thất lạc mà chính anh cũng … quên!

    Những năm tháng khó khăn anh “gác bút” lao vào con đường kinh doanh, mở công ty, sau đó tham gia vào lãnh vực đầu tư tài chính. Bất cứ loại hình nào anh cũng làm tốt và tương đối thành công.

    Mấy năm sau này khi tuổi già đến anh có dịp đi chơi đây đó, bởi thế trong những chuyến viễn du đã khơi nguồn cảm hứng, gợi nhớ về quê hương với biết bao kỷ niệm anh đã viết và lưu lại với mong muốn có ngày ra mắt cùng bạn đọc.

    Cứ mỗi chiều thu biêng biếc mây

    Khi nắng vàng phai bóng cỏ gầy

    Hồn chợt mênh mang hoài cố xứ

    Rượu nồng chưa uống đã như say

    Thật vậy, khi đọc những câu từ lấp lánh hình ảnh của người mang tâm tư, khắc khoải, nỗi nhớ quê nhà, có cả tình yêu đẹp trong những buổi chiều êm ả, thả hồn nhìn áng mây bàng bạc lững lờ trôi về nơi vô định.

    Trông về cố hương buồn vời vợi

    Ngắm biển nhìn mây hồn bâng khuâng

    Đi xa mới thấy nhiều nhung nhớ

    Đất mẹ tình quê canh cánh lòng

    Đôi lúc tác giả viết lên những suy nghĩ về cuộc sống vô thường, thân phận của con người.

    Tôi là ai giữa dòng đời nghiệt ngã

    Trôi về đâu trong một kiếp phù sinh

    Mai tôi đi nợ người xin trả hết

    Cả yêu thương và nông nổi vô tình.

    Biết nhau từ lâu giữa tình thầy trò, cũng là bạn thơ, nhiều lần ngồi cà phê anh kể về quê xưa, về những mối tình nhẹ nhàng thoáng qua, kể về người vợ thủy chung một lòng với chồng, con cho dù hoàn cảnh những năm sau khi thống nhất đất nước vô cùng khó khăn, khắc nghiệt.

    Hôm qua trò chuyện với anh và nhận được tập bản thảo Giấc Mộng Chiều đúng với tâm trạng của một nhà thơ “bóng ngã về chiều” hoài niệm ngày tháng cũ, của một người con xa xứ.

    Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!

                                           Phạm Thiên Thư

                                    Sài Gòn, ngày 09-07-2024

     

    TOP