Tiếp thị & Pháp luật

KHÔNG DIỆT KHÔNG SINH ĐỪNG SỢ HÃI – No Death, No Fear, Comforting Wisdom for Life

  • Thứ tư, 00:28 Ngày 02/02/2022
  • KHÔNG DIỆT KHÔNG SINH ĐỪNG SỢ HÃI được Chân Huyền dịch từ tựa sách “No Death, No Fear, Comforting Wisdom for Life” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

    “Trong các nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở Tây phương, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xếp vào vị trí thứ hai, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma”, New York Times.

    “Thầy Nhất Hạnh đã chỉ ra cho chúng ta mối liên hệ mật thiết giữa bình an trong tự thân với bình an trên Trái Đất”, Đức Đạt Đai Lạt Ma.

    Chỉ cần lắng lại để ngẫm nghĩ, tựa đề quyển sách cũng đã mang đến cho bạn sự bình an nhất định. Hiểu được bản chất sự vật, hiện tượng trong cuộc sống sẽ giúp bạn có cái nhìn khái quát, bao dung hơn. Từ đó, tâm có thể nhẹ nhàng buông xả những phiền não giúp chúng ta sống đời bình an hơn.

    Nhân dịp ngày đầu tiên của năm Nhâm Dần (Mùng 1 Tết Âm Lịch 2022), blog muốn chia sẻ đến bạn đọc về nội dung sách: Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi.

    Trong bài viết này, blog chỉ chia sẻ lại những đoạn ngắn trong sách mà bản thân tâm đắc nhất. Bởi từng câu, từng chữ trong sách đã vượt qua mọi ngôn từ, không thể tóm gọn thành lời văn. Vì vậy, nếu có thời gian, bạn nên tự mình đọc sách để cảm nhận sự bình an vượt ngoài mong đợi.

    1. Ta từ đầu tới? Ta đi về đâu?

    Bản chất thực của chúng ta là không sinh không diệt. Chỉ khi nào ta chạm được vào bản chất chân thực đó, chúng ta mới chuyển đổi được nỗi sợ hại mình không hiện hữu, đổi được cái lo trở thành hư không.

    Không có gì sinh ra, không có gì mất đi

    Bụt dạy khi đầy đủ nhân duyên thì sự việc biểu hiện, và chúng ta nói nó hiện hữu. Khi thiếu một hoặc hai điều kiện, sự việc đó không biểu hiện như trước khi ta nói nó không hiện hữu. Theo Bụt, nói rằng thứ này có hay không có là sai. Trong thực tại, không có thứ gì là hoàn toàn có hay hoàn toàn không hiện hữu.

    2. Cái sợ đích thực

    Bản chất thật sự của chúng ta có tính cách vô sinh bất diệt. Chúng ta không cần phải đi đâu mới tiếp xúc được bản chất chân thực của mình. Sóng không cần đi tìm nước vì chính nó là nước. Chúng ta không cần đi tìm Thượng đế hay Niết bàn, hay bản chất tuyệt đối, vì chúng ta là Niết bàn, là Thượng đế.

    Nhìn sâu, chúng ta thấy không thể có thứ gì chỉ thuần là nguyên nhân. Thực tập nhìn sâu, chúng ta có thể khám phá được nhiều điều và nếu ta không bị vướng vào một chủ thuyết hay ý niệm, chúng ta sẽ có tự do để khám phá.

    Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi - Thích Nhất Hạnh

    Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi – Thích Nhất Hạnh

    3. Thực tập nhìn sâu

    Tất cả các giáo pháp chính thống của đạo Bụt đều có ba yếu tố căn bản gọi là Tam pháp ấn. Ba dấu ấn đó là vô thường, vô ngã và Niết bàn.

    Vô thường

    Vô thường có nghĩa là mọi sự đều thay đổi, không có sự vật nào bất biến trong hai thời điểm nối tiếp nhau. Vì nó thay đổi mỗi phút giây, nên chúng ta không thể mô tả một cách chính xác là lúc này nó giống hay khác với lúc trước đây.

    Chúng ta thường buồn rầu và đau khổ rất nhiều khi sự vật thay đổi. Nhưng sự thay đổi, sự vô thường có khía cạnh tích cực của nó. Nhờ vô thường mà mọi sự vật mới có cơ hội. Đời sống nhờ vô thường mới hiện hữu… Chúng ta hãy sung sướng. Khi thấy được phép lạ của vô thường, nỗi đau buồn của chúng ta sẽ qua đi.

    Vô ngã

    Vô thường là nhìn vào thực tại trong khía cạnh thời gian. Vô ngã là nhìn trong bình diện không gian. Đó là hai mặt của thực tại. Vô ngã là một biểu hiện của vô thường, cũng như vô thường là một biểu hiện của vô ngã. Mọi sự vật không có cái ngã riêng biệt nên chúng vô thường. Vô thường nghĩa là bất biến nên làm sao có được cái ngã riêng biệt và thường hằng?

    Vô ngã cũng có nghĩa là trống rỗng, một thuật ngữ trong Phật giáo, có nghĩa là không có tự tánh độc lập. Nhưng nó không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu tại đây. Cũng không có nghĩa là mọi sự đều không có ở đây.

    Niết bàn

    Chúng ta sợ hãi vì các ý niệm về sinh – tử, tăng – giảm, hiện hữu – không hiện hữu. Niết bàn là sự ngừng bặt của tất cả các ý niệm và tư tưởng. Nếu chúng ta thoát khỏi hết các ý niệm và tư tưởng, chúng ta có thể tiếp xúc được với niềm an lạc trong bản thể chân thật của ta.

    Có tám ý niệm nuôi dưỡng sự sợ hãi. Đó là ý niệm về sinh – diệt, đến – đi, khác nhau – giống nhau, có – không. Những ý niệm đó làm ta không hạnh phúc. Giáo pháp của Bụt dạy ta tám ý niệm đối nghịch gọi là tám không: không sinh – không diệt, không đến – không đi, không giống – không khác, không có cũng không không.

    4. Chuyển hoá khổ đau và sợ hãi

    Khi chúng ta chạy đuổi theo một thứ gì, muốn nắm bắt nó, ta sẽ đau khổ. Khi không có gì để đuổi theo, ta cũng đau khổ… Hãy quán chiếu thật sâu, bạn sẽ thấy rằng những gì mà bạn tìm kiếm ở kia vẫn thường hiện diện ngay đây, đó chính là bạn!

    Bạn là thứ mà bạn muốn trở thành. Vậy thì tìm kiếm làm gì nữa? Bạn là một sự biểu hiện tuyệt diệu. Tất cả vũ trụ đều góp phần vào việc làm cho bạn hiển hiện. Không có gì không ở trong bạn cả. Vương quốc của Thượng đế, Niết bàn, Tịnh độ, Hạnh phúc và Tự do, tất cả đều có trong bạn.

    Sự biểu hiện của một sự vật hay một con người không tuỳ thuộc vào một nhân duyên, mà tuỳ vào nhiều nhân duyên. Ý niệm cho rằng một nhân duyên gây ra kết quả là không đúng. Một điều kiện không bao giờ đủ để cho một sự vật biểu hiện.

    5. Bắt đầu lại

    Trong bản môn (bình diện tuyệt đối), chúng ta chưa bao giờ sinh ra và cũng chưa từng bị diệt đi. Trong tích môn (bình diện tương đối), chúng ta sống trong thất niệm và hiếm khi chúng ta biết sống thật sự. Chúng ta sống như người chết.

    Đã về, đã tới

    Bây giờ, ở đây

    Vững chãi, thảnh thơi

    Quay về nương tựa.

    Khi bạn trở về với lúc này và ở đây, bạn sẽ nhận diện được rằng nhiều điều kiện của hạnh phúc đã có mặt. Thực tập chánh niệm là thực tập trở về với hiện tại, lúc này và ở đây, để có thể tiếp xúc sâu sắc với chúng ta, với đời sống. Chúng ta phải tập để có thể làm được chuyện này. Dù cho ta thông minh và hiểu biết ngay, chúng ta cũng cần được huấn luyện mới sống được như thế. Chúng ta phải luyện tập để thấy được rằng các điều kiện của hạnh phúc đã có mặt tại đây.

    6. Địa chỉ của hạnh phúc

    Chỉ khi có tự do người ta mới có hạnh phúc. Số lượng hạnh phúc bạn có tuỳ thuộc vào số lượng tự do mà bạn có trong tâm. Đây không phải là tự do chính trị. Tư do là sự vượt thoát khỏi những tiếc nuối, sợ hãi, lo âu và muộn phiền. “Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây”.

    Tỉnh thức là bản chất của giáo pháp và thực tập. Bụt (Budh) có nghĩa là tỉnh thức. Người tỉnh thức là Buddha (Bụt) là bất kỳ ai dạy chúng ta giáo pháp và phép thực tập tỉnh thức. Mỗi chúng ta có thể chuyển hoá, biến mình thành một ngọn đèn, để giúp cho toàn thế giới thức tỉnh.

    Phát triển bản thân / cân bằng cuộc sống / Lối sống chất lượng / Dương Trung Oanh

    7. Tiếp tục biểu

    hiện

    Nếu không có sinh diệt trong từng phút giây thì chúng ta không thể tiếp tục sống. Trong mọi lúc, nhiều tế bào trong cơ thể bạn phải chết đi để bạn tiếp tục sống. Không chỉ các tế bào mà tất cả các xúc cảm, tri giác, tâm hành trong dòng sông tâm thức đều sống chết mỗi phút giây.

    8. Sợ hãi, chấp nhận và tha thứ

    Phép thực tập địa xúc

    Phép thực tập địa xúc (lạy xuống sát đất) có thể giúp ta tiếp xúc được với bản chất vô sinh bất diệt. Nếu ta thực tập địa xúc như Bụt đã thực tập thì ta có thể đạt tới trí tuệ thật sự.

    Khi lạy xuống sát đất, bạn tiếp xúc với những vị hiền nhân vì họ là một phần của đất và một phần của bạn. Sống trong thế giới ngày nay, bạn rất dễ trở thành một nạn nhân của tuyệt vọng. Bạn cần phải tự bảo vệ. Cách hay nhất là bạn tiếp xúc với các vị Bồ tát có hành động từ bi và thương yêu.

    Lạy xuống đất giúp cho thân tâm ta được thanh tịnh. Nó giúp chúng ta có tuệ giác về vô thường, về tương tức và vô ngã. Bụt dạy ai nhìn thấy chúng sinh thì sẽ thấy Bụt. Khi lạy xuống đất, ta nhìn thấy Bụt trong ta và thấy ta trong Bụt. Chúng ta nhìn được tất cả chúng sinh đau khổ và nhìn ta trong họ. Ở tư thế phủ phục xuống đất, biên giới giữa ta và người khác được xoá đi. Từ đó ta sẽ biết nên làm gì và không nên làm gì trong đời sống hằng ngày. Nhờ tuệ giác đó, chúng ta có thể làm được nhiều chuyện rất hữu ích.

    Chấp nhận

    Muốn chấp nhận kẻ khác như bản chất của họ, chúng ta hãy bắt đầu từ chính mình. Nếu chúng ta không thể chấp nhận được chúng ta như đang là ta, ta sẽ không bao giờ chấp nhận được người khác. Khi tôi nhìn lại tôi, tôi thấy những đều tốt đẹp, tích cực và có thể nói là đáng khen nữa. Nhưng tôi biết mình cũng có một phần tiêu cực trong người. Vậy, trước hết tôi cần nhận biết và chấp nhận chính tôi.

    Chánh định

    Chánh định là con đường thứ tám trong Bát Chánh Đạo Bụt đã dạy, tám con đường chân chính để thực tập. Có chánh định trên vô ngã, vô thường và tương tức là điều ta có thể chứng nghiệm khi thực tập địa xúc. Không có chánh định thì không thể giác ngộ. Nếu bạn có thể nhìn vào bạn, nhìn cha mẹ, con cái trong ánh sáng vô thường, vô ngã và tương tức, thì sự hoá giải sẽ tới một cách tự nhiên.

    Không chia cách

    Bụt dạy rằng bản chất chân thật của bạn là bản chất không sinh – không diệt, không tới – không lui, không giống – không khác, không có cũng không không. Giáo pháp này hình như trái ngược với giáo pháp dạy rằng cái gì sinh thì sẽ diệt, mọi chuyện đều có thể tàn lụi và ta không thể tránh được cái chết, già lão và bệnh tật. Hãy nhìn cho sâu. Bạn sẽ thấy rằng sinh là một ý niệm, tử là một ý niệm, tới – lui, không – có cũng là một ý niệm. Chúng ta phải xả bỏ nhưng ý niệm về thực tại đó. Và chúng ta sẽ tiếp xúc được với chân lý, hay chân như.

    “Chân như là một thuật ngữ. Nó có nghĩa rằng chân lý thực tại là như vậy. Bạn không thể nói gì về chân như hay giải thích gì hết”, Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi – Thích Nhất Hạnh..

    9. Sống cạnh người hấp hối

    Khi bản sắp chết, có lẽ bạn không có nhiều tỉnh thức về cái thân mình. Bạn có thể bị tê bại, và bạn bị kẹt vào ý niệm cái thân ấy là bạn. Bạn bị kẹt vào ý tưởng là khi thân đó chết thì bạn cũng bị tê liệt. Vì vậy mà bạn sợ hãi. Bạn sợ trở thành hư vô. Sự hoại diệt của cái thân người không thể đụng tới bản chất thật sự của người đó. Bạn cần giải thích cho người đó hiểu rằng anh ta có một đời sống không giới hạn. Cái thân này chỉ là một biểu hiện, như đám mây. Khi đám mây không còn là mây nữa, nó cũng không mất đi đâu hết. Nó không trở thành hư không mà chỉ chuyển hoá ra thành mưa mà thôi. Vậy thì ta không nên đồng hoá ta với cái thân này.

    “Thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang”.

    Sống hạnh phúc, chết bình an

    Sống hạnh phúc, chết bình an là chuyện có thể làm được. Ta sẽ được như thế khi ta nhìn thấy mình tiếp tục biểu hiện trong các hình thái khác. Ta cũng có thể giúp người khác chết bình an nếu ta có những yếu tố vững chãi và vô uý trong ta.

    Vậy, xin hãy đừng quá bận rộn trong đời sống hàng ngày. Xin hãy dành thì giờ thực tập. Hãy học cách sống hạnh phúc, bình an và sung sướng ngay hôm nay. Hãy tập nhìn sâu để hiểu được bản chất thật của sinh tử, như vậy bạn sẽ được chết bình an, không sợ hãi. Đây là điều ai cũng có thể làm được.

    Đừng để bị trói vào một ý niệm

    Nếu chúng ta biết thực tập và thấm nhuần thực tại vô sinh bất diệt, nếu ta hiểu được rằng đến – đi, tới –  lui chỉ là những ý niệm, và nếu ta hiện diện một cách vững chãi, bình an, thì ta có thể độ được người sắp chết. Ta có thể giúp họ bớt hẳn sợ hãi và đau khổ. Ta có thể giúp họ chết một cách bình an. Ta có thể giúp chính ta hiểu rằng không có sự chết, nghĩa là không có sợ hãi. Chỉ có sự tiếp tục mà thôi.

    Từ bình an đến hạnh phúc nhờ lối sống chánh niệm


    Đây là những đoạn văn trong sách “Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi” mà blog cảm thấy tâm đắc muốn chia sẻ cùng bạn đọc. Hy vọng những lời dạy của Thiền sư có thể giúp bạn đọc sống bình an, an lạc trong cõi nhân sinh này.

    Chúc bạn đọc và gia đình có một năm an vui, hạnh phúc!

    Bài viết của Dương Trung Oanh - PV tại TP HCM

    TOP